Con người sinh ra từ bậc Đế Vương đến phường dân dã, từ người cao sang tuyệt đỉnh cho đến người cùng khổ nghèo hèn ai ai cũng phải có Tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
“Con người có tổ, có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Cây có gốc mới trổ nhành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Tổ tiên có trước, rồi sau có mình”.
Không thể phủ nhận được rằng, dù ở đâu hay
trong bất kì hoàn cảnh nào, cội rễ, gốc gác của mỗi con người vẫn đóng vai trò
vô cùng to lớn bởi đây là nơi chôn rau cắt rốn của họ, là nơi họ sinh ra và gắn
bó suốt những ngày tháng còn thơ dại. Họ tìm về với nguồn cội không chỉ để gần
gũi hơn với gia đình và dòng họ mà còn là cách để họ tìm lại chính mình, tìm lại
những khoảnh khắc mình từng trải qua.
Gia phả là nơi ghi
chép các thứ tự, các đời theo hệ thống huyết mạch trên dưới được thuật lại phân
minh để cho những đời con cháu về sau nhìn vào có thể hiểu rõ được về nguồn cội
của mình. Chính vì vậy, với người Họ Đoàn Đền Công chúng ta, nhất là với thế hệ
trẻ thì gia phả vừa là tài sản vừa là tài liệu có vai trò to lớn trong việc
giáo dục tìm về với nguồn cội của dòng họ.
Gia phả không chỉ ghi chép lại đầy đủ
chi tiết lịch sử của gia tộc (bao gồm tên họ, hiệu của mỗi thành viên, các chi,
các nhánh của dòng họ) mà còn ghi lại các sự kiện lịch sử, sự biến đổi của dòng
họ, sự tham gia và những ảnh hưởng của dòng họ đến tiến trình lịch sử xã hội.
Cuộc sống ngày càng chạy theo những
công nghệ hiện đại, dòng thời gian chảy qua những bộn bề công việc khiến thế hệ
trẻ dễ dàng bỏ quên những giá trị truyền thống. Vì vậy cuốn gia phả là tư liệu
hữu ích giúp thế hệ trẻ hiểu được nguồn gốc, tổ tiên của mình và về những thế
hệ trước đó.
Tóm lại: Gia phả sinh ra để ghi chép
lại những sự việc đã xảy ra của dòng tộc và hơn nữa là truyền lại thông tin,
giúp cho mỗi người hiểu về tất cả những vấn đề đã từng xảy ra trong quá khứ. Từ
đây, thế hệ trẻ mới thấm thía được công lao to lớn của bậc tiền nhân đi trước,
là nguồn cảm hứng và động lực để họ cố gắng xây dựng cống hiến, phát triển bản
thân, yêu gia đình, yêu dòng họ, yêu quê hương đất nước để xứng đáng với những
gì họ đang được nhận từ tổ tiên, từ quê hương của mình. Nói cách khác, tìm hiểu
về gia phả, tổ tiên, gốc gác, nguồn cội còn là cách để mỗi người tự ý thức được
việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, quê
hương mình từ đó biết được bản thân mình cần phải làm gì và làm như thế nào để
xứng đáng với những truyền thống đó./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét